Đô thị vệ tinh TP.HCM sẽ là xu thế tất yếu cho quá trình phát triển đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm bớt áp lực dân cư, tạo nên diện mạo hài hòa cho thành phố, đời sống người dân trở nên hạnh phúc hơn.
Đô thị vệ tinh là gì?
Đầu tiên chúng ta hãy tìm hiểu đô thị vệ tinh là gì nhé!
Đô thị vệ tinh (Satellite Urban) là những đô thị con nằm trong một vùng đô thị mẹ nào đó, chúng thường có khoảng cách nhất định với đô thị mẹ và vẫn phải chịu những tác động từ đô thị mẹ (ví dụ: những hạ tầng kỹ thuật chính và nền kinh tế chủ đạo). Các hệ thống giao thông, các cơ sở hạ tầng quy mô lớn dùng để kết nối đô thị mẹ với các đô thị vệ tinh. Việc kết nối này giúp những cư dân cư trú ở các đô thị vệ tinh vẫn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tại đô thị trung tâm, từ đó làm giảm áp lực dân số và mật độ cư trú ở đô thị trung tâm, bảo vệ môi trường đồng thời tạo khoảng xanh để điều hòa sinh thái cho đô thị.
Hiện nay trên thế giới tại các nước phát triển đều phát triển đô thị vệ tinh. Singapore thể hiện rõ trong quy hoạch Vành đai Concept Plan với các đô thị vệ tinh mới sẽ được xây dựng xung quanh các khu vực trữ nước, các đô thị này được nối liền với nhau bởi hệ thống đường cao tốc. Ở nước ta, các đô thị vệ tinh của Hà Nội có thể là Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương và Vĩnh Yên.

Vậy bây giờ chúng ta hãy khám phá những đô thị được cho là đô thị vệ tinh của TP.HCM nhé!
Mô hình quy hoạch đô thị vệ tinh TP.HCM mới nhất 2020
Dự báo đến năm 2020, quy mô dân số TP.HCM xấp xỉ trên 12 triệu người và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người. Việc tăng trưởng dân số quá nhanh gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cũng như chất lượng cuộc sống của người dân Tp.HCM.

Vì thế TP.HCM đã lên kế hoạch quy hoạch đến năm 2025 thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Kế hoạch này đã được UBND Tp.HCM phê duyệt.
Bản đồ quy hoạch đô thị vệ tinh Tp.HCM đến năm 2025
Các khu đô thị vệ tinh chiến lược nhằm kéo giãn dân, tạo tính lan tỏa cho các đô thị vùng Tp.HCM. Đồng thời, trong giai đoạn tới TP.HCM cũng sẽ tiến hành quy hoạch lại các khu vực đã phát triển quá nóng gây nhiều bất cập.

Mỗi khu đô thị là một cấp chính quyền đô thị trực thuộc chính quyền đô thị TP.HCM. Chính quyền 4 khu đô thị được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong ngân sách, xây dựng và quản lý, phát triển dịch vụ đô thị.
Đô thị vệ tinh phía Đông TP.HCM
Khu đô thị Đông bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích 211 km2 với trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao.
Với quy hoạch trọng tâm phát triển khu đô thị khoa học – công nghệ ở quận Thủ Đức và quận 9 bao gồm: khu công nghệ cao với quy mô 872 ha, khu đại học quốc gia quy mô 800 ha và công viên văn hóa lịch sử dân tộc có quy mô 395 ha…

Định hướng trong tương lai, khu công nghệ cao TP.HCM sẽ kết nối với khu đại học Quốc gia hình thành khu khoa học công nghệ Đông Bắc. Đặc biệt cùng với khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, khu quần thể lịch sử văn hóa dân tộc và khu công nghiệp cảng Cát Lai tạo nên vùng phát triển đô thị hiện đại phía đông thành phố.
Đô thị vệ tinh phía Bắc TP.HCM
Đô thị vệ tinh phía Bắc còn được gọi là đô thị đại học, khu đô thị Bắc TP.HCM có diện tích quy hoạch lớn nhất thành phố (hơn 6.000 ha) bao gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Khu đô thị Bắc TP.HCM được quy hoạch thành trung tâm giáo dục cấp thành phố, quy tụ nhiều trường đại học lớn, có khả năng tiếp nhận khoảng 75.000 sinh viên. Đây còn là trung tâm thương mại, y tế, thể dục thể thao cấp thành phố với 11 phân khu chức năng như: trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp…

Khu đô thị Bắc TP.HCM sẽ được phân thành bảy trung tâm lớn nhỏ gồm: hai đô thị lớn cấp vùng theo hướng đông – tây, ba trung tâm nhỏ và hai tiểu trung tâm. Trong các trung tâm này sẽ phát triển 35 khu dân cư hình thành nên trung tâm đô thị.
Đô thị vệ tinh phía Nam TP.HCM
Đô thị vệ tinh phía Nam TP.HCM bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích quận 8 (phần phía nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Trọng tâm khu đô thị phía Nam là quận 7 và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Ở đây sẽ phát triển dịch vụ cảng, gắn liền với các dịch vụ thương mại khác.

Đô thị này sẽ hình thành khu đô thị sinh thái xanh hiện đại mang sắc đặc trưng của miền sông nước. Nơi đây được quy hoạch thành khu hỗn hợp đa chức năng gồm trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, giáo dục, giải trí và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với tổng diện tích 3.900 ha được đầu tư phát triển khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn gồm: khu công nghiệp, khu dịch vụ logistics và khu dân cư hiện đại.
Đô thị vệ tinh phía Tây TP.HCM
Đô thị vệ tinh phía Tây bao gồm quận Bình Tân, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh với diện tích 191 km2, đây là khu đô thị đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL. Khu đô thị này có diện tích khoảng 500 ha được giao cho Tổng công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư với chủ trương phát triển cụm nhà ở, trung tâm thương mại quy mô lớn nhằm thay đổi bộ mặt đô thị ở phía Tây thành phố.

Xây dựng đô thị vệ tinh – Nhu cầu tất yếu của TP.HCM
Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, kẹt xe là một trong những căn bệnh đô thị mà TP.HCM đang đối diện và dường như đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Theo bà, vấn nạn kẹt xe tại các đô thị lớn ở các nước đang phát triển đều phải trải qua, nhưng họ không mất quá nhiều thời gian để giải quyết trong khi đó TP.HCM hiện nay vấn nạn kẹt xe của TP.HCM vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, lý do là mật độ dân cư thành phố quá đông đúc.

Việc xây dựng đô thị vệ tinh có vai trò giảm tải cho thành phố TP.HCM về dân số, việc làm và dịch vụ. Đây là xu hướng tốt vì ngoài việc giảm tải về hạ tầng cho thành phố, việc hình thành các khu đô thị vệ tinh còn giúp kết nối hệ thống giao thông vành đai cũng như hệ thống Metro đang xây dựng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quỹ đất ở trung tâm thành phố ngày càng hạn hẹp, đi cùng chủ trương hạn chế cấp phép các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm TP.HCM, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn các khu vực ngoại ô còn thưa dân như một hướng đi hoàn toàn mới. Kết quả là ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn (diện tích từ 100ha) xuất hiện. Hướng đi này của các chủ đầu tư cũng thuận theo chiến lược phát triển các thành phố vệ tinh, nhằm giảm áp lực cho khu vực trung tâm về hạ tầng, môi trường và giao thông, đồng thời tạo diện mạo phát triển hài hòa cho tất cả các khu vực.
Bài học về đô thị vệ tinh từ các nước trên thế giới
Là quốc gia có diện tích nhỏ lại đông dân và tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giảm chi phí đi lại, tiết kiệm trong sinh hoạt và giải quyết lao động tại chỗ. Các khu đô thị vệ tinh được phát triển tại Singapore, hầu hết chúng đều được quy hoạch theo chuẩn self-contained (tạm dịch: độc lập), tức được thiết kế đồng bộ và cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu về việc làm, sinh sống và học tập của hàng trăm ngàn người dân mà không cần phải đến khu trung tâm.

Ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã xây dựng được 14 thành phố vệ tinh theo chuẩn self-contained (tạm dịch là độc lập). Chúng được bao quanh bởi các vành đai xanh (green belt) và kết nối với khu đại đô thị bằng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả như các tuyến đường sắt đô thị. Chiến lược phát triển đô thị vệ tinh toàn diện cũng là cách mà nhiều thành phố lớn khác thực hiện như Stockholm, Tokyo…
Ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne La Vallee (Pháp), cho biết Paris (Pháp) trước đây cũng giống TP.HCM hiện nay là kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền đã quyết định xây dựng một số đô thị vệ tinh quanh thủ đô Paris. Năm đô thị vệ tinh đã được hình thành quanh Paris và phát triển mạnh về giao thông công cộng như tàu điện ngầm, metro, tàu mặt đất nhằm kết nối khu trung tâm.
Xu hướng đầu tư bất động sản đổ về các đô thị vệ tinh Tp.HCM
Ở khu Nam, nhà đầu tư GS E&C Hàn Quốc tung ra thị trường các sản phẩm đầu tiên của dự án Metro City, Nam Long khởi động siêu dự án Water Point tại Long An với quy mô 381ha, Tập đoàn Tân Tạo mới đây đã tung ra dự án Evere City ở phía Tây thành phố. Ở Khu vực Nhà Bè, Keppel Land đã đầu tư khủng vào dự án căn hộ cao cấp Celesta Rise.

Diện mạo phía Đông Sài Gòn cũng đang thay đổi chóng mặt. Đơn cử như Vingroup đang phát triển Khu Đô thị Vincity, Hưng Thịnh Corp giới thiệu ra thị trường dự án Biên Hòa New City, liên doanh Him Lam – DIC Corp phát triển khu đô thị tại Nhơn Trạch. Bên cạnh đó, Tập đoàn Bất động sản CFLD Trung Quốc đầu tư khu đô thị Swan Bay và Swan Park quy mô lên đến hàng trăm ha, TLM Corporaton mới đây đã giới thiệu ra thị trường khu đô thị sinh thái cao cấp King Bay.
Tại khu đô thị Thủ Thiêm, trọng tâm của đô thị vệ tinh phía Đông, đã hình thành dự án căn hộ cao cấp The River Thủ Thiêm của REFICO – một trong những nhà đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Đơn vị REFICO đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ với các dự án thành công xuất sắc như Central Point Phú Nhuận, City Garden Phase 1 Bình Thạnh, NEXUS Tôn Đức Thắng, President Place Quận 1, Sanctury Hồ Tràm… vì thế các dự án tiếp theo của REFICO luôn nhận được sự mong đợi và kỳ vọng của công chúng.

Theo các chuyên gia, việc tham gia của các thương hiệu uy tín, có tiềm lực mạnh dự kiến sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo các khu đô thị ngoại ô và có thể dẫn đến làn sóng hình thành các khu đô thị vệ tinh kiểu mẫu với đầy đủ hạ tầng và tiện ích trong các năm tới.