Là cửa ngõ phía Đông thành phố, kết nối vùng “tam giác vàng” bao gồm TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, khu Đông Sài Gòn sở hữu vị trí có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, là một trong bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM với sức phát triển mạnh mẽ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu Đông được xem là khu vực sở hữu nhiều dự án hạ tầng giao thông nhất thành phố, với số tiền đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng làm thay đổi bộ mặt của khu Đông Sài Gòn. Có thể kể đến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai tại khu Đông như: dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, cầu qua đảo Kim Cương, hầm vượt 3 tầng Mỹ Thuỷ,…
KHU ĐÔNG SÀI GÒN – KHU ĐÔ THỊ THÔNG MINH
Mới đây nhất, TP.HCM cũng đang lên phương án quy hoạch khu đô thị sáng tạo thuộc quận 2, 9 và Thủ Đức thành lập “thành phố thuộc TP.HCM” với mục tiêu khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố.
Khu Đông Sài Gòn đang dần thay đổi
Theo quy hoạch tới năm 2025 của TP.HCM, phát triển thành phố theo hướng đa tâm xoay quanh khu vực trung tâm gồm những quận nội thành cũ. Khi đó, khu Đông Sài Gòn sẽ đóng vai trò trở thành một khu đô thị sáng tạo. Với hạt nhân xoay quanh khu Công nghệ cao tại Quận 9 sẽ là nơi đặt các khu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Thủ Đức với khu đại học Quốc gia TP.HCM sẽ trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Và Quận 2 với khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ đóng vai trò là trung tâm tài chính mới tầm cỡ Quốc Tế.
Theo đánh giá của chuyên gia, cùng với hệ thống hạ tầng sẵn có và quy hoạch “thành phố trong thành phố” tại khu Đông nếu được thông qua sẽ tạo sức bật “lớn” cho khu vực này, tạo lực đẩy phát triển cho toàn bộ thị trường BĐS nơi đây, vốn đã rất nóng.
CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG SẮP TRIỂN KHAI TẠI KHU ĐÔNG SÀI GÒN
Nâng cấp và mở rộng những tuyến đường kết nối trực tiếp với cảng Cát Lái
Trong giai đoạn 2020 – 2022, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy); mở rộng đường Đồng Văn Cống với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách, riêng tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỷ đồng.
Chưa kể, UBND TP.HCM đang đẩy mạnh tiến độ triển khai tuyến đường Vành đai 2, hiện đang trong quá trình xây dựng khép kín đoạn từ ngã tư Bình Thái đến Phạm Văn Đồng. Như vậy, việc kết nối giao thông của các dự án dọc tuyến Phạm Văn Đồng vào đô thị Thủ Thiêm hay trung tâm thành phố sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Hạ tầng giao thông khu vực Cát Lái
Dự án nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2
Song song đó, dự án nút giao thông Mỹ Thủy là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM với tổng số vốn gần 2.400 tỷ đồng. Một khi dự án được hoàn thiện sẽ giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 với tổng số vốn hơn 837 tỷ đồng gồm các hạng mục cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi Cát Lái và các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy, cầu Kỳ Hà 3 hiện đã được hoàn thiện và thông xe vào cuối tháng 2 năm 2017.
Giai đoạn 2 sẽ được triển khai từ năm 2020 đến năm 2021, bao gồm cầu vượt trên đường vành đai 2 dài 316 mét với 4 làn xe; cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725 mét với 2 làn xe; cầu Mỹ Thủy 3, dài 124 mét 6 với làn xe; cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái, dài 75 mét với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 khoảng 1.100 tỉ đồng.
Dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)
Một công trình quan trọng được đánh giá sẽ góp phần lớn trong việc kết nối liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Đông là dự án xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Phối cảnh cầu Cát Lái
Bước đầu, hai địa phương đã thống nhất các phương án triển khai dự án với quyết tâm sẽ khẩn trương xây dựng nhanh công trình này. Đây được xem là “cú hích” rất quan trọng để TP.HCM thực hiện nhanh chiến lược phát triển những khu đô thi vệ tinh và quy hoạch vùng đô thị mở rộng hướng Đông. Dự án theo tính toán ban đầu có tổng vốn đầu tư gồm cả chi phí đền bù giải toả lên gần 9.000 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mới đây cũng vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai để đầu tư dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, chuẩn bị kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành trong tương lai, được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm sân bay Long Thành.
Các cây cầu kết nối Thủ Thiêm
Cầu Thủ Thiêm 1 nối liền Quận 2 với Quận Bình Thạnh đã được đưa vào hoạt động. Cầu Thủ Thiêm 2 bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2015 với tổng vốn đầu tư 4260 tỷ đồng, dự kiến thông xe vào năm 2021. Cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,4 km với 6 làn xe được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật, góp phần giảm tải sức ép giao thông hiện đang quá tải trên cầu Sài Gòn.
Tiến độ thi công cầu Thủ Thiêm 2
Đối với cầu Thủ Thiêm 4, tất cả các khâu chuẩn bị để khởi công dự án đã hoàn thành và đang đi vào thi công. Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến được xây dựng với độ dài khoảng 2.1km, được thiết kế theo kiểu cầu dây văng trong đó cây cầu chính nối từ Quận 7 đến cuối Quận 2. Cầu Thủ Thiêm 4 có 6 làn xe rộng 28m, chịu được động đất cấp độ 7 với tổng chi phí lên đến hơn 5000 tỷ đồng.
Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 3 và cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với quận 1 đang nằm trong kế hoạch triển khai, lên thiết kế.